Trở về từ vùng dịch, chớ dại trốn cách ly

Cô gái trở về từ Daegu nhưng trốn cách ly và người phụ nữ yêu cầu hỗ trợ 250.000/ngày mới đồng ý cách ly là 02 trong số những cái tên gây chú ý theo nghĩa tiêu cực trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều người có lẽ cũng thắc mắc hành vi trốn tránh cách ly có bị xử lý hay không? Nếu có thì căn cứ văn bản nào?

Đầu tiên, phải khẳng định hành vi của hai cá nhân trên là hành vi đáng lên án, xem thường sức khỏe của mình và cộng đồng. Trong lúc thế giới và cả nước cùng chung tay chống dịch thì hành vi của hai cá nhân còn thể hiện sự vô trách nhiệm và xứng đáng bị pháp luật nghiêm trị.

khu vực cách ly

Theo đó, đối với hành vi trốn tránh không chịu cách ly sẽ bị xử phạt vi phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP 

Cụ thể, điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-NP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sau:

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Trong trường hợp xấu nhất khi hành vi trốn tránh cách ly gây lây lan cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015  về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Vấn đề đặt ra là dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra có thuộc trường hợp bệnh truyền nhiễm nhóm A hay không?

Chúng tôi xin khẳng định là có. Tại Quyết định 173/QQĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đã khẳng định dịch bệnh do virus Covid-19 (Corona như cách gọi trước đây) thuộc trường hợp bệnh truyền nhiễm nhóm A. (Quy định tại Khoản 5 Điều 1 Quyết định 173/QQĐ-TTg)

Ngoài ra, những trường hợp bệnh truyền nhiễm nhóm A là những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu (vẫn theo Khoản 5 Điều 1 Quyết định 173/QQĐ-TTg ) do đó, sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc thực hiện cách ly hoặc cưỡng chế cách ly đối với cá thể nhiễm bệnh. (Quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-NP )

Như vậy, có thể khẳng định pháp luật Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các chế tài từ hành chính đến hình sự để xử lý đối với cá nhân có hành vi trốn tránh cách ly y tế. Rất may cho cô gái vừa về từ Daegu và người phụ nữ kia khi đã nhanh chóng chấp nhận việc cách ly nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường không những về mặt sức khỏe mà còn về mặt luật pháp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiết nghĩ mọi người dân nên tuân thủ khuyến cáo của các Cơ quan chức năng và tuân thủ quy định của pháp luật để vừa bảo vệ sức khỏe cho mình vừa không bị vi phạm pháp luật.

>>> Xem thêm: Tư vấn pháp luật

Nguồn: https://thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/tro-ve-tu-vung-dich-cho-dai-tron-tranh-cach-ly-72250.html?ui=k=RVek56QXTV&pi=09pBeU1DMHdNeTB3TXkwd09TMHdOQTTW

Facebook Comments