Khi muốn thành lập một doanh nghiệp/công ty thì bạn cần phải xác định cho doanh nghiệp/công ty của mình một cái tên. Việc đặt tên công ty chính là tiền đề để phát triển thương hiệu sau này của mỗi doanh nghiệp/công ty.
1. Cách đặt tên công ty/doanh nghiệp
Tên công ty bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Loại hình doanh nghiệp bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân
Tên riêng được viết bằng chữ cái, chữ số hoặc ký hiệu và không bắt buộc phải có nghĩa.
Ví dụ: Công ty TNHH (thành tố thứ nhất) Thương mại và dịch vụ ABC (thành tố thứ hai)
Doanh nghiệp có thể đặt tên công ty mình theo tên cá nhân. Cách đặt tên này mang theo hơi hướng cá nhân nhưng nó lại đơn giản, dễ đọc, có bản sắc riêng. Nếu người chủ của công ty là người đã có danh tiếng, tạo được uy tín thì công ty được hưởng lợi ích từ chính thương hiệu cá nhân có sẵn đó.
Doanh nghiệp đặt tên công ty có sử dụng một ngôn ngữ khác hoặc ký tự viết tắt. Cách đặt tên này đang là xu hướng đặt tên của các doanh nghiệp trẻ với tham vọng muốn vươn ra thế giới.
Đặt tên công ty liên quan tới ngành nghề kinh doanh. Đây là cách đặt tên đơn giản giúp gợi nhắc người nghe tới lĩnh vực hoạt động của công ty. Những công ty chỉ tập trung hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể thì rất phù hợp với việc đặt tên này. Tuy nhiên nếu muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động sang một lĩnh vực khác thì nên thành lập công ty mới để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng và đối tác.
Tên công ty được đặt để phản ánh triết lý kinh doanh, khát vọng của doanh nghiệp đó. Cách đặt tên này cũng rất hay và nó được sử dụng khá phổ biến trong thực tế.
Vận dụng một cách khéo léo để đưa những con số vào tên công ty cũng là ý tưởng hay trong việc đặt tên doanh nghiệp.
2. Nguyên tắc khi đặt tên công ty/doanh nghiệp
Tên công ty được đặt không được vi phạm pháp luật. Không được sử dụng tên của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tên của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội,… trừ trường hợp đã được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức đó.
Không được sử dụng những từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tên công ty không nên đặt với những từ ngữ thô tục, vô duyên gây phản cảm đối với người nghe.
Tên công ty đặt không nên quá khoe mẽ, tự cao, kiêu ngạo. Lúc đó, công ty không chỉ tạo khoảng cách với khách hàng, khiến họ cảm thấy không gần gũi mà còn là một điểm yếu cho đối thủ mổ xẻ để hạ thấp công ty.
Không nên dùng những từ hiếm gặp, chữ thiếu nét hay từ ngữ không được quy phạm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc quảng bá, tuyên truyền thương hiệu của công ty.
Tên công ty không nên được đặt quá khó hiểu, hoặc quá nhiều ngụ ý khiến người nghe không hiểu được thì dù tên đó rất có ý nghĩa với chủ sở hữu thì cũng trở nên vô nghĩa.
Không nên đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Việc đặt tên trùng không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà khách hàng sẽ rất dễ nhầm lẫn gây ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp rất nhiều.
Trên đây là nguyên tắc và cách đặt tên công ty/doanh nghiệp mà bất cứ người chủ doanh nghiệp/công ty nào cũng cần phải biết. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong quá trình lựa chọn và đặt tên cho doanh nghiệp mình.
Phương Anh