Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định do thỏa thuận giữa hai bên là người lao động và người sử dụng lao động hoặc do quy định của pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ nào đó.
1. Các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 32 Bộ luật lao động 2012 quy định các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
Người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự
Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người lao động là nữ giới đang mang thai có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền rằng nếu tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi
Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận
2. Thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
Theo Điều 33 Bộ luật lao động và Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động như sau:
Người lao động phải có mặt tại nơi làm việc đồng thời người sử dụng lao động phải nhận người lao động tiếp tục làm việc trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động không thể có mặt đúng thời hạn quy định trên thì cần thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm tiếp tục làm việc.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí công việc cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết trước đó sau thời gian tạm hoãn. Trường hợp không bố trí được công việc như hợp đồng đã ký kết thì hai bên phải thỏa thuận về công việc mới và phải sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng đã ký hoặc giao kết hợp đồng mới.
Ngoài ra, Điều 129 Bộ luật này cũng quy định về trường hợp người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc đối với người lao động bao gồm:
Khi phát sinh vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục lao động sẽ gây khó khăn trong việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc. Quyết định tạm đình chỉ này chỉ có hiệu lực khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Thời hạn tạm đình chỉ không được vượt quá 15 ngày. Nếu xét đó là trường hợp đặc biệt thì cũng không được vượt quá 90 ngày
Lưu ý: về nguyên tắc, khi thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động thì doanh nghiệp không phải trả lương cho người lao động trong thời gian này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không cần đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị đình chỉ công tác để điều tra có hay không vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH, BHTN nhưng vẫn phải đóng BHYT mỗi tháng với từ 4,5% đến 50% mức lương mà họ nhận được theo quy định.
Hy vọng với các thông tin về thời gian và các trường hợp được xét tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trên sẽ giúp ích được cho bạn đọc có thêm kiến thức để thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động được nhanh chóng.
>>> Có thể bạn cần: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng
Phương Anh